Giới thiệu

Việt Nam xuất khẩu Cà Phê đứng TOP đầu thế giới

Tuesday, 27/02/2018, 10:56 GMT+7 Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, niên vụ 2016-2017 xuất khẩu 26,55 triệu bao (60 kg/bao). Dự kiến niên vụ 2017-2018 xuất khẩu 26,65 triệu bao. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất nguyên liệu cà phê thô nên giá trị mang lại chưa cao (niên vụ 2016-2017 xuất 550.000 bao cà phê rang và 2 triệu bao cà phê hòa tan). Canh tác cà phê còn lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể còn 120.000 ha cà phê trong nước bị già cỗi cho năng suất thấp, trái nhỏ.

Công ty Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC) vừa công bố một báo cáo cho thấy trong niên vụ 2016-2017, tổng lượng cà phê nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 1 triệu bao (khoảng 60.000 tấn cà phê các loại), tăng 360.000 bao so với niên vụ trước. Trong đó có 160.000 bao cà phê hòa tan, 340.000 bao cà phê rang và xay, 500.000 bao cà phê hạt. Đơn vị này dự báo tổng sản lượng cà phê Việt Nam sẽ nhập khẩu trong niên vụ 2017-2018 khoảng 1,06 triệu bao. Hiện Việt Nam nhập khẩu cả cà phê nhân, cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Campuchia…

Nhiều công ty kinh doanh cà phê cho biết lâu nay Việt Nam vẫn nhập cà phê với số lượng ngày càng tăng qua các năm. Ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty Cà phê CTC, cho biết hằng năm Lào sản xuất khoảng 30.000 tấn cà phê, chủ yếu là Arabica, trong đó có khoảng phân nửa là được thương lái đưa về Việt Nam tiêu thụ. Còn cà phê ở Campuchia mỗi năm sản xuất chỉ vài ngàn tấn cũng được đưa hết về Việt Nam vì nước này không có thị trường cà phê. Còn theo ông Hoàng Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Hoàng Thủy, sở dĩ cà phê ở Lào về Việt Nam là do giá bán của họ thấp hơn ở Việt Nam đến 30.000 đồng/kg nên được đưa về trộn với hàng trong nước. Cũng theo ông Thủy, cà phê Arabica trong nước chỉ có một số vùng trồng được nên số lượng hạn chế, trong khi loại này có chất lượng cao nên phải nhập khẩu về tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Quang Bình, phần lớn cà phê nhập khẩu là cà phê đã qua chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan) nhưng họ quy ra bao cho dễ tính. Chủ yếu hàng nhập khẩu là loại chất lượng cao để phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê cao cấp, cà phê trong nước chưa đáp ứng được. Do nhu cầu ngày càng nhiều nên lượng nhập khẩu cũng tăng dần. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là ngành cà phê mải tập trung xuất khẩu nguyên liệu mà bỏ quên sân nhà do yếu về chế biến. Chính vì thế, hạt cà phê Việt Nam đi qua nhiều nước, qua chế biến và nhập khẩu trở lại với giá cao gấp 2-3 lần ban đầu. Trước đây, cà phê trong nước chủ yếu được cung cấp bởi các cơ sở nhỏ lẻ bị pha trộn quá nhiều bắp, đậu nành, hương liệu; các quán cà phê cũng nhỏ lẻ chứ chưa hình thành các chuỗi cà phê lớn mạnh. Nguyên nhân là cũng như nhiều ngành nông sản khác, Việt Nam chưa chuẩn bị cho một nền công nghiệp thực phẩm mà chủ yếu vẫn bán sản phẩm thô.

Theo Nguyễn Hải - Cao Nguyên - Ngọc Ánh
Reviews

Hotline

0918.420.470
 
 

Hotline

0918.420.470